Phân bố và tình trạng Creole_Nghi_Lan

Creole này được nói ở huyện Nghi Lan tại miền đông Đài Loan, chủ yếu ở các làng Đông Nhạc (東岳), Kim Dương (金洋), Áo Hoa (澳花), Hàn Khê (寒溪); dạng creole Nghi Lan ở mỗi làng có nét khác biệt với nhau.[4][5] Dù không rõ số người nói creole Nghi Lan, con số này khó mà vượt qua tổng dân số bốn làng (khoảng 3.000 người).[3][5] Số người nói có thể nằm trong khoảng 2.000-3.000 người.[3] Tuy người từ mọi lứa tuổi vẫn sử dụng ngôn ngữ này,[8] creole Nghi Lan vẫn chịu đe doạ do giới trẻ ngày một ít tiếp xúc với nó.[4] Trong khi người già có khi không thông thạo Quan thoại thì giới trẻ luôn quen dùng Quan thoại hơn.[5]

Đến nay, tiếng Nhật vẫn có ảnh hưởng nhất định trong xã hội Đài Loan. Những trang web tiếng Nhật vẫn thường được người Đài Loan truy cập và "ít có nước nào cho ra nhiều thông tin bằng tiếng Nhật như Đài Loan".[6] Có thể thấy sự hiện diện của biển quảng cáo tiếng Nhật, cùng với ký tự hiragana の "no" ở Đài Loan.[6] Công dân Đài Loan được giáo dục bằng tiếng Nhật thời thuộc địa đến nay vẫn có thể nói ngôn ngữ này.[6]

Trải qua ba thế hệ người nói creole Nghi Lan, thế hệ đầu và thứ hai cho thấy khả năng sử dụng creole hơn hẳn thế hệ thứ ba.[3] Ở làng Đông Nhạc, giới trẻ đã không còn nói creole Nghi Lan, trong khi tình hình ở Áo Hoa thì có sáng sủa hơn.[5] Với việc di sản Ayatal "trong sáng" và "truyền thống" dần được chú trọng, thứ tiếng creole Nghi Lan mang đầy yếu tố tiếng Nhật đã bị loạt bỏ khỏi giáo dục. Điều này càng làm thúc đẩy sự lan toả của Quan thoại và sự xa lánh creole Nghi Lan với người trẻ tuổi.[3] Trong khi người lớn tuổi nói tiếng Nhật hay creole Nghi Lan với người cùng trang lứa, họ chuyển sang dùng tiếng Atayal hay Quan thoại pha với creole Nghi Lan khi nói chuyện với người trẻ tuổi; giới trẻ thì có xu hướng nói Quan thoại với người cùng trang lứa, còn khi nói với người lớn tuổi thì có thể nói creole.[3]